Đây là một bài viết tản mạn đôi điều về hành trình đầu tư của tôi, cũng như chia sẽ một số công cụ và sách. Tôi đến với hành trình đầu tư không phải gần đây, tôi đã được tiếp xúc với khái niệm đầu tư từ những năm tôi còn ngồi trên giảng đường đại học. Khi đó, tôi vẫn chưa có khái niệm cơ bản nào về quá trình đầu tư nói chung hay crypto, chứng khoán nói riêng. Thứ mà tôi học được trước đó chỉ đơn giản là “Hãy tiết kiệm”.

Cơ duyên

Trong quá trình tôi học đại học, tôi có quen một người bạn tên Robert. Anh chàng này là một con dân đầu tư chính hiệu mà tôi biết đến thời điểm hiện tại. Anh ấy cũng học Công nghệ thông tin như tôi, nhưng anh ta có một niềm đam mê mạnh liệt với đầu tư và không có niềm đam mê tương tự cho việc coding. Robert là người đã trò chuyện với tôi với những nỗi trăn trở của anh ấy: “Làm sao kiếm được tiền?” Wao, một câu hỏi rất lớn khi cả 2 đang là sinh viên đại học. Nếu là bạn, bạn sẽ nghĩ về câu trả lời này như thế nào? Tôi và Robert cả hai đều có suy nghĩ về việc đầu tư hoặc buôn bán một thứ gì đó, nhưng cách mà chúng tôi lựa chọn thì khác nhau. Tôi muốn đầu tư một cách vừa đủ, vừa an toàn nhưng vừa mạo hiểm. Robert thì khác, anh ta có thể all-in vào danh mục đầu tư và kiếm lãi vào đó.

Không có một cách đầu tư nào đúng hay sai. Bởi vì tôi hiểu được rằng mỗi người có một môi trường sống khác nhau, điều kiện sống khác nhau, cách ứng xử với tiền bạc khác nhau, cho nên mức độ chịu đựng rủi ro cũng như khả năng đứng dậy sau vấp ngã cũng khác nhau. Và thực tế tôi và Robert thì có lúc Robert đúng, có lúc tôi lại đúng. Robert đã có lúc all-in và kiếm lời với số tiền có thể bằng gần 10 năm tôi đi làm trong vòng 6 tháng. Với thành tích của Robert làm tôi rất ấn tượng và ngưỡng mộ, nhưng nếu là tôi thì tôi không dám all-in như Robert, đó là kết quả xứng đáng cho Robert.

Robert, chính là người bạn đã giúp tôi biết đầu tư là gì, và tôi cũng học hỏi rất nhiều từ hành trình đầu tư của Robert. Nếu về đầu tư, tôi cho đến hiện tại vẫn chưa tìm được người có thể chung một chí hướng đầu tư, thảo luận tình hình kinh tế chính trị như với Robert. Cuộc trò chuyện giữa tôi và Robert thường bắt đầu và kết thúc khá đơn giản. Chúng tôi bắt đầu với một tin tức tình hình kinh tế, chính trị nào đó. Cả 2 đều đưa ra quan điểm và ý kiến của mình bao gồm lắng nghe, trao đổi, sau đó theo dõi kết quả và cuối cùng là điều chỉnh góc nhìn.

Bén duyên

Khoảng thời gian gần đây thôi, tầm 1 năm trước, trong lúc tôi tìm kiếm về công cụ quản lý chi tiêu cá nhân miễn phí thì tôi gặp được một trang web khá hay là lhboi. Đây là một trang web sẽ khuyên người đọc hãy cố gắng tiết kiệm và cố gắng đảm bảo cho hưu trí sau này. Wait! hưu trí? Đúng, chính là nó, nói một cách ngắn gọn, tôi có thể đi làm thêm khoảng 30-40 năm nữa (50-60 tuổi) và về hưu. Giả sử, tôi sống được 60-100 tuổi thì tôi phải sống trong khoảng 10-50 năm tiếp theo mà không thể kiếm ra tiền và đó là chưa tính tiền về già thì tiền chăm sóc sức khỏe khi già yếu còn nhiều nữa. Thậm chí, nếu có sự tính toán, tôi có thể tính được thời gian tôi nghỉ hưu mà vẫn yên tâm về mặt tài chính. Vậy câu hỏi đặt ra “Tôi cần làm gì để chuẩn bị cho lúc đó?”.

Có lẽ các bạn bè đồng trang lứa với tôi phần lớn sẽ không suy nghĩ giống tôi, nhưng tôi đã và đang xây dựng tình hình tài chính cho khoảng thời gian sau này của mình, kể cả lúc khi đã về hưu. Tôi không có khái niệm tạo tài khoản tiết kiệm, chia hũ,… Tôi chỉ có một khái niệm duy nhất và đã được tính toán là tiết kiệm và đầu tư. Có tiết kiệm thì mới có đầu tư được, đúng không?

Nếu bạn hữu duyên đọc được bài này, trong bài viết này, tôi sẽ gợi ý cho bạn một số thông tin hữu ích để giúp bạn có thể tự tìm hiểu về chính con người bạn. Trong tương lai, có thể tôi sẽ viết bài chia sẻ ngắn thêm về một số góc nhìn của tôi về đầu tư cũng như chia sẽ kiến thức tôi đã học được. Tôi cũng rất muốn chia sẽ những kiến thức này.

Công cụ

Misa - Sổ thu chi: Tôi dùng để quản lý chi tiêu cá nhân, mục đích để biết tháng đó tôi chi cái nào nhiều, cái nào ít để phân bố thêm tiền, cái nào cần cân nhắc cắt giảm để có tiền đem đi đầu tư.

Ghostfolio: Tôi dùng để theo dõi hành trình đầu tư của mình. Tuy nhiên, bạn muốn sử dụng thì phải tự self-host thì mới bật được đơn vị VND cũng như thêm MANUAL cố phiếu Việt Nam, chứng chỉ quỹ mở, crypto,… Nó sẽ tự động quy đổi từ USD, JPY, SGD sang VND cho bạn nếu có.

Sách

Thịnh vượng tài chính tuổi 30: Đây là cuốn sách nói khá đúng trọng tâm cho mục dự trù tài chính khi về hưu của bạn. Sách sẽ cho bạn góc nhìn khác nhau về việc khi bạn về hưu mà có sự chuẩn bị và không chuẩn bị. Tập 1 chủ yếu kể về cuộc đời của Kim Min Seok và hành trình “mơ ngủ” của ông ta. Tập 2 sẽ nói thêm chi tiết về cách bạn thực hành điều đó. Bạn sẽ có thể tính được thời gian bạn nghỉ hưu cũng như bạn cũng sẽ tính được một tháng bạn cần tiết kiệm tối thiểu bao nhiêu để khi về già bạn vẫn giữ được mức sống hiện tại, thậm chí là tốt hơn.

Nền kinh tế tăng trưởng và sụp đổ như thế nào: Cuốn sách cũng sẽ nói về tiết kiệm, nhưng cách tiết kiệm ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào ở khía cạnh tài chính quốc gia chứ không còn cá nhân nữa. Mọi người đều làm mọi thứ có lợi cho chính bản thân họ, nhưng cũng vô tình giúp người khác phát triển và giúp một tổ chức hay quốc gia phát triển thêm. Sách sẽ nói về cách nền kinh tế vận hành từ một nền kinh tế rất đơn giản như là việc họ duy trì cuộc sống bằng cách bắt cá cho đến phát triển nên một kinh tế phức tạp hơn.

Kết

Tôi cũng không biết tại sao tôi lại viết bài này, bài viết này không phải là một bài viết được lên kế hoạch, lên bố cục nội dung rõ ràng. Có lẽ, nó chỉ đơn giản là tôi muốn viết đôi dòng suy nghĩ của mình với mong muốn chia sẽ và lan tỏa tiết kiệm và đầu tư đến nhiều người hơn nhưng không biết bắt đầu như thế nào. Thôi thì xem như bài viết này là mở đầu, sau này các bài viết về finance sẽ có sự đầu tư nhiều hơn.

~~~

Recent posts